Tin Tức Sự Kiện

Techtronic Industries Việt Nam tiếp tục thúc đẩy kết nối các nhà cung cấp địa phương ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngày 25/08/2023, Sở Công Thương Thành phố phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP), Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (HEPZA) tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ - Sourcing Fair Supporting Industries năm 2023 (SFS 2023), Techtronic Industries Việt Nam (TTI) là một trong những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn đã tham gia kết nối trực tiếp và chia sẻ, đóng góp ý kiến nhằm phát triển nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Khai mạc Hội nghị “Kết nối các cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Kết nối các cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Trải qua 05 năm tổ chức Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, đến nay, Hội nghị đã thu hút 96 doanh nghiệp FDI và sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối, kết nối 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố và các tỉnh có sản phẩm cung ứng phù hợp và có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp 1 – 1 tại  lần hội nghị. Các liên kết gia công cũng hình thành giữa nhà máy công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI và các nhà máy công nghiệp có quy mô lớn sẽ góp phần hình thành mạng lưới các nhà cung ứng trong nước có năng lực cung ứng tốt, đáp ứng tốt hiệu quả thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trong nước bền vững.

Ông Huỳnh Lê Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM và các Đại diện Ban Lãnh đạo tham quan gian hàng của TTI tại Hội nghị.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên kết để thực hiện các hợp đồng gia công, tăng khả năng tiếp cận với các đối tác, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong – ngoài nước và các nhà đầu tư, mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hỗ trợ phát triển nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ nội địa.

Tham gia hội nghị với vai trò là đơn vị FDI dẫn đầu ngành Dụng cụ không dây, TTI mong muốn kết nối và mở rộng cơ hội hợp tác đồng hành cùng các nhà cung cấp nhiều nhất có thể để tạo ra tác động tích cực trong xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng địa phương cũng như giúp nhà cung cấp trở thành đối tác quan trọng trong khâu vận hành của TTI và góp phần đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nơi TTI hoạt động.

Cô Sabrina Ánh Trần - Giám đốc Bộ phận Mua hàng Techtronic Industries Việt Nam và Ông Venkataramaiah Subbaramu - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Phát triển Bosch Việt Nam tham gia thảo luận tại Hội nghị.

Cô Sabrina Ánh Trần - Giám đốc Mua hàng Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam, cho biết trong những năm qua TTI đã hợp tác với CSID để tìm kiếm và xây dựng danh sách nhà cung cấp đạt chuẩn tại Việt Nam và đã thành công trong việc tìm ra nhiều nhà cung ứng nội địa đạt tiêu chuẩn. TTI luôn sẵn sàng kết nối với các nhà cung cấp mới và liên tục đánh giá các dự án chuyển sang Việt Nam để đảm bảo có đủ năng lực hỗ trợ cho sự phát triển của các nhà máy tại VN. Hiện tại, TTI đang tập trung tìm kiếm các nhà cung cấp cho các thành phần kim loại, gia công tiện và phay, dập kim loại, đúc khuôn, các bộ phần của động cơ,… nhằm hỗ trợ việc mở rộng sản xuất của các đơn vị kinh doanh và các ngành hàng của TTI tại Việt Nam.

“Về quy mô nhà cung cấp, chúng tôi đang tìm kiếm các nhà cung cấp có khả năng tích hợp các quy trình công nghiệp theo chiều dọc để có thể hỗ trợ nhiều công đoạn và quy trình sản xuất lắp ráp. Điều này sẽ giúp các nhà cung cấp có thể kiểm soát chất lượng của tất cả các quy trình cũng như đảm bảo chi phí cạnh tranh”, cô Sabrina Ánh Trần chia sẻ thêm.

Nhà cung cấp địa phương trao đổi tại gian hàng TTI.

Trong bối cảnh gián đoạn sau đại dịch Covid-19 và môi trường kinh tế thế giới đang có xu hướng thay đổi, TTI không chỉ đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu mà còn mang đến nhiều giải pháp hỗ trợ nhà cung cấp địa phương đối mặt với các thách thức về tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, và giao tiếp đa văn hóa khi làm việc với một doanh nghiệp đa quốc gia.

TTI có đội ngũ phát triển vận hành sản xuất (Operation Excellence - OPEX), đội ngũ quản lý chất lượng và đội ngũ phát triển kỹ thuật dành cho nhà cung cấp,… để đánh giá, phân tích và hỗ trợ nhà cung cấp cải thiện các lĩnh vực sản xuất cụ thể và giúp nâng cấp các nhà cung cấp địa phương phát triển lên một tiêu chuẩn tương ứng với tiêu chuẩn Quốc tế. Để hỗ trợ nhà cung cấp có được những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh cho khách hàng của họ, TTI sẽ cùng nhà cung cấp xem xét cấu trúc chi phí tổng thể trong báo giá; phân tích chi phí của các thành phần để đưa ra những hỗ trợ cần thiết cho nhà cung cấp, đặc biệt thông qua mạng lưới rộng rãi nguồn cung ứng nguyên liệu thô mà TTI đang có nếu nguồn cung ứng của nhà cung cấp chưa đủ cạnh tranh.

Doanh nghiệp FDI thúc đẩy kết nối các nhà cung cấp địa phương chất lượng.

Ngoài ra, văn hóa giao tiếp rõ ràng, mình bạch là yếu tố quan trọng mà TTI kỳ vọng ở các nhà cung cấp ở mọi giai đoạn trong chuỗi cung ứng và nếu nhà cung cấp đạt được yêu cầu này với thông tin xác thực thì sẽ có nhiều cơ hội để phát triển việc hợp tác và giảm thiểu rủi ro. Điều này chỉ có thể làm được nếu nhà cung cấp sẵn sàng chia sẻ về những vấn đề, khó khăn cần hỗ trợ cũng như các giải pháp mà TTI có thể mang đến để hai bên cùng thành công.

TTI cũng quan tâm rất nhiều đến các tiêu chuẩn bền vững của các nhà cung cấp. Chương trình Tuân thủ Trách nhiệm, Xã hội và Môi trường được triển khai để quản lý tất cả các nhà cung cấp trên khắp thế giới, đảm bảo rằng các tiêu chuẩn ESG của các đối tác tiềm năng được điều chỉnh theo chính sách và tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn. Tại Việt Nam, TTI cũng đang hợp tác với các nhà cung cấp địa phương để thực hiện nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu giảm 60% lượng phát thải Khí nhà kính (GHG) Phạm vi 1 và Phạm vi 2 vào năm 2030.